Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, người dân khắp cả nước lại náo nức đi trẩy hội Xuân. Trải qua thời gian, truyền thống này vẫn tiếp tục được giữ gìn, phát triển, trở thành một nét đẹp đầu Xuân, năm mới.
Mùa lễ hội xuân năm nay, khắp các di tích trên địa bàn xã lại tưng bừng rộn rã các lễ hội truyền thống với rất nhiều nét đẹp văn hoá được gìn giữ từ cha ông.
Khai mùa lễ hội là lễ thượng nguyên tại miếu làng Phu Vinh ngày 13 tháng Giêng âm lịch, lễ hội nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của các bậc tiền nhân Đức Đại La Đại Vương, quan Tả Thái Giám, Hữu Thái Giám, chiêu mộ Vũ Duy Lương những người có công khai sinh lập Ấp. Con cháu làng Phu Vinh ngày nay sinh sống, làm ăn ở nhiều làng xã khác nhau, nhưng vẫn luôn hướng về cội nguồn, dâng nén hương thơm tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân, cùng nhau tưng bừng vui hội đầu xuân trong những tiếng nhạc, câu hát, điệu múa chèo truyền thống mà chỉ người dân nơi đây còn gìn giữ được.



Lễ hội đình Thượng Kiệm, một trong số rất ít những di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia trên địa bàn huyện, là nơi thờ vị anh hùng dân tộc Hoàng đế Triệu Việt Vương – Triệu Quang Phục cùng các cụ chiêu mộ Nguyễn Gia Miêu. Đình Thượng Kiệm được xây dựng từ năm 1838, đến nay đã hơn 100 năm tuổi, nhưng vẫn lưu giữ được khá nguyên vẹn đẩy đủ những kiến trúc, hoa văn chạm khắc cổ xưa cùng rất nhiều hiện vật cổ như sắc phong, câu đối, ngai thờ, bia đá…. Công trình được đánh giá rất cao cả về giá trị văn hoá và lịch sử, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, thờ cúng các anh hùng dân tộc, cầu cho mưa thuận gió hoà mà còn là nơi gặp gỡ, tụ hội của bà con nhân dân làng Thượng Kiệm sau 1 năm làm ăn bôn ba vất vả, cùng trở về quây quần sum họp vui tết đón xuân. Lễ hội đầu xuân đình Thượng Kiệm được tổ chức nhằm ngày 14 tháng giêng Âm lịch trong tiết trời xuân ấm áp, nắng ráo làm cho không khí ngày hội thêm vui tươi rộn rã, các chương trình văn nghệ, các trò chơi dân gian được sôi nổi, trọn vẹn hơn.


Được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch, lễ hội đình làng Bắc Thịnh từ khi được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh tới nay đang trở thành điểm đến, thu hút rất đông bà con nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Lễ hội được mở màn bằng chương trình văn nghệ đặc sắc diễn ra từ chiều tối ngày hôm trước, có sự tham gia của nhiều đoàn văn nghệ trong và ngoài xã với những tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng công phu, đậm chất văn hoá truyền thống như hát chèo, hát dân ca, hát múa hầu đồng.



Trong ngày chính hội, nhân trong giáp tề tựu từ rất sớm, từ người già đến các thanh niên, nam nữ hay trẻ nhỏ, ai ai cũng nô nức, áo quần sặc sỡ tham gia đoàn rước kiệu, với mong muốn mang theo sự phù trợ của các bậc thần linh, tiên tổ tới cho mọi nhà, cầu cho một năm mới bình an, sung túc.




Sau lễ rước kiệu, lễ hội chính thức khai mạc bằng những hội chiêng trống của các cụ cao niên và ông trưởng ban quản lý di tích. Bà con nhân dân được cùng nhau ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, ôn lại công lao to lớn của Đức Đại La Đại Vương, quan thần Tả Hữu Thái Giám, thần thành hoàng làng cùng các vị chiêu, nguyên, thứ mộ được thờ tại di tích cũng như quá trình xây dựng bảo tồn di tích từ khi xây dựng tới nay.
Lễ dâng hương được thực hiện trang trọng do các cụ cao niên trong làng kính lễ. Thời gian còn lại trong ngày bà con trong giáp được tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như bắt vịt, chọi gà…tất cả làm nên một mùa lễ hội vui tươi rực rỡ.

Di tích đền Kinh – nơi được đông nhân dân gần xa biết đến về sự linh thiêng bao đời, hằng năm đều khai xuân trong lễ hội thượng nguyên để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Lễ hội đền Kinh diễn ra vào ngày 20 tháng giêng âm lịch là ngày kỵ huý Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn – một anh hùng dân tộc có công lớn trong đánh đuổi giắc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn, bờ cõi của cha ông ta.
Lễ hội bao gồm các nghi lễ: dâng hương, tế lễ truyền thống và các hoạt động văn hoá, văn nghệ sôi nổi.