Lưu ý về an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên Đán

         Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tăng cao, dẫn đến việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng tăng theo để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân. Cùng với đó là những thực phẩm giả không an toàn, kém chất lượng hoặc hết hạn sử dụng trà trộn lưu thông trên thị trường. Chính vì thế người tiêu dùng, nhất là các bà nội trợ nên lưu ý khi lựa chọn thực phẩm an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình mình.

1. Thực phẩm tươi, sống:

- Khi chọn thịt, nên chọn các loại thịt đã qua kiểm dịch thú y (có tem dấu kiểm soát của thú y), chọn các loại thịt phải có màu tươi đặc trưng của loại thực phẩm đó, thịt có độ đàn hồi, thớ thịt mịn bóng, không nhão và  không có biểu hiện bơm nước, không có mùi lạ.

- Đối với các loại thủy hải sản tươi sống. Tốt nhất chúng ta nên chọn các loại còn sống hoặc nếu không còn sống phải được bảo quản trong đá lạnh. Đối với cá tươi, miệng cá sẽ ngậm kín, thân cá rắn chắc, đàn hồi, vảy óng ánh, bám chặt thân cá, mang cá màu đỏ hồng, không bị nhớt hay mùi hôi. Tôm tép vỏ sáng, dài và trơn láng, không bị bong lóc đầu. Nghêu sò ốc phải còn sống. Mực nang, mực ống  nên chọn loại có thịt trắng, chọn loại vừa, không quá lớn và chưa vỡ túi mực đen

- Nếu chọn mua thịt, cá đông lạnh thì phải chọn loại có vảy óng ánh, thịt chặt, màu sắc bình thường, không có dấu hiệu hôi, ươn. Các thực phẩm phải có nhãn mác rõ ràng, phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung: tên sản phẩm, trọng lượng, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất chế biến, có số đăng kí sản xuất và còn thời hạn sử dụng.

2. Thực phẩm khô hoặc thực phẩm đã qua chế biến:

- Đối với các loại thực phẩm khô, đóng hộp, đóng gói sẵn: phải chọn loại có nhãn bằng tiếng Việt và ghi đầy đủ thông tin: chủng loại, xuất xứ, thành phần, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, ngày sản xuất, còn hạn sử dụng, …. Không sử dụng các thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, các loại hạt không có nguồn gốc rõ ràng. Cần cẩn trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

- Chú ý trong việc lựa chọn loại rượu để sử dụng, phải chọn rượu có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, đã công bố chất lượng và không pha thêm các loại khác vào rượu để uống.

3. Lựa chọn mua rau củ quả

Trong ngày Tết của mỗi gia đình rau, củ, quả là thực phẩm không thể thiếu. Để lựa chọn rau, củ, quả tươi ngon thì nên chọn các loại rau, củ, quả đúng theo mùa, tránh ăn loại trái mùa. Không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm, đặc biệt khoai tây mọc mầm rất độc, có thể gây ngộ độc cho người ăn.

Chọn rau, củ, quả loại có màu tự nhiên, không quá đẹp vì dễ có thuốc kích thích để giữ màu. Nên chọn loại rau, củ quả còn tươi, còn nguyên cuống không dập nát, héo úa hay có đốm màu lạ.

Người tiêu dùng cần lưu ý chọn mua và sử dụng thực phẩm ở những cơ sở có địa điểm cố định, địa chỉ rõ ràng, có uy tín, cảnh giác với hàng hóa trôi nổi, không nhãn mác. Nên lựa chọn thực phẩm ở những nơi bán sạch sẽ, ngăn nắp, những nơi có đủ điều kiện bảo quản theo quy định của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, bà con nhân dân cũng cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm sau:

1. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Hoa quả nên rửa sạch, gọt vỏ trước khi ăn.

2. Nấu chín kỹ thức ăn:Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.

3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng lâu càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.

6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay có vết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.

8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn như thớt, dao, xong nồi, hộp chứa cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.

9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.

Và đặc biệt đối với các em HS, tuyệt đối không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh; không ăn các loại thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ăn quà vặt: ô mai, các loại kẹo xanh đỏ phẩm màu loè loẹt, Và thực hiện rủa tay bằng xà phòng vào các thời điểm như: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; sau khi chơi hoặc cầm nắm vào đồ vật nơi công cộng, sau khi ho, hắt hơi.

Để có thể đón tết vui vẻ và vẫn giữ gìn được sức khỏe, mọi người cần chú ý ăn vừa đủ các món ăn ngày tết, ăn đúng giờ, không nên ăn quá nhiều vì các món ăn ngày tết thường chứa nhiều năng lượng. Không nên cho trẻ uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều mứt, kẹo để tránh làm các cháu bỏ bữa ăn chính gây ảnh hưởng đến tình trạng tăng trưởng dinh dưỡng của các cháu sau Tết.

  • Từ khóa :
BẢN ĐỒ TP NINH BÌNH

Tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

Cơ quan chủ quản: Uỷ ban nhân dân xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình

Địa chỉ: Xóm Vinh Ngoại - xã Thượng Kiệm - huyện Kim Sơn - tỉnh Ninh Bình

 Trưởng ban biên tập: Trần Xuân Cương, Phó chủ tịch UBND xã